Từng vào Nam, ra Bắc, len lỏi khắp các cánh rừng để kiếm mật ong khoái, lần này, anh Trịnh Hoài Nam và anh Hà Văn Luật (Phú Thọ) lại “hành quân” lên Tây Bắc để tìm ong cùng 2 người bạn là Lò Văn Năm và Lò Văn Mạnh.
Ong khoái làm tổ ở ngọn cây cao hoặc ở vách đá rất hiểm trở. (Ảnh: Bước chân vùng cao).
Anh Nam cho hay, từ tháng 3 đến tháng 7 là mùa ong khoái, loại ong rừng cho mật ngon nhất. Chúng còn được gọi là ong mật khổng lồ của Đông Nam Á. Chúng thường làm tổ lộ thiên ở những nơi cao và khó tiếp cận như các cành cây, ngọn cây hay vách đá hiểm trở.
Hành trang không thể thiếu của mỗi thợ săn ong rừng đó là dao, gạo, bật lửa, quần áo bảo hộ và ống nhòm. Họ đi đến các cánh rừng già, theo dấu ong uống nước ở suối để tìm tổ ong mật.
Sau cả tiếng di chuyển, nhóm của anh Nam đã phát hiện ra tổ ong ở trên vách đá cao 50 mét. (Ảnh: Bước chân vùng cao).
“Nhiều khi chúng tôi đi cả tuần trời, ở luôn trong rừng để kiếm ong. Gạo mang đi cho vào ống nứa rồi nấu, lặn suối bắt cá làm thức ăn. Vất vả nhưng có những trải nghiệm thú vị mà ít công việc nào có được”, anh Nam chia sẻ.
Sau cả tiếng di chuyển bằng xe máy, có đoạn đường nhỏ chỉ vừa bánh xe di chuyển, anh Nam cùng “đồng đội” tiếp tục để xe dưới chân núi, đi bộ hơn 1 tiếng để tiếp cận tổ ong khoái nằm ở lưng chừng vách núi cao 50 mét.
Để lấy được tổ ong này, nhóm thợ săn ong phải dùng thang dây đã chuẩn bị trước. (Ảnh: Bước chân vùng cao).
“Nếu tính từ đỉnh vách đá xuống tới đất thì khoảng 50 mét nhưng tổ ong này lại ở lưng chừng, cách mặt đất khoảng 25 mét. Chúng tôi phải leo lên khoảng 30 mét rồi thả thang dây leo xuống để cắt ong”, anh Nam nói.
Theo anh Nam, ong khoái là loại ong cực kỳ hung dữ và thường tấn công theo bầy đàn. Mỗi tổ ong có thể lên tới 10 vạn con ong thợ bám đen sì với vũ khí chính là chiếc ngòi dài 3mm, có thể xuyên qua quần áo của con người hay lớp lông dài của loài gấu.
Cả nhóm thợ leo lên phía trên, cách mặt đất 30 mét rồi thả thang dây xuống. (Ảnh: Bước chân vùng cao).
Nếu bị ong khoái đốt với số lượng lớn và không được cứu chữa kịp thời, nạn nhân có thể tử vong do suy gan, suy thận cấp và nhiễm trùng máu. Vì vậy, từng cử chỉ, động tác của thợ săn ong phải thật sự khéo léo. Nếu phát hiện kẻ thù, hàng ngàn con ong sẽ tạo thành ma trận, lao lên cao rồi lao xuống như lốc xoáy, tấn công dữ dội.
Sau khi mặc đồ bảo hộ kín mít, thợ săn ong sẽ dùng khói để đánh lạc hướng đàn ong và bắt đầu leo xuống, tiếp cận tổ ong. (Ảnh: Bước chân vùng cao).
Một người cẩn thận dùng lá cây, buộc vào 1 chiếc sào dài để sát tổ ong, tạo khói để dụ ong bay ra khỏi tổ; người khác mặc đồ bảo hộ leo thang dây xuống tiếp cận tổ ong rồi cẩn thận dùng dao cắt từng góc tổ, cho vào thùng nhựa; người còn lại làm ròng rọc để “vận chuyển” thùng đựng mật và sáp ong từ vách đá xuống.
Tổ ong to hơn người với hàng vạn con ong thợ bám dày đặc, đen sì, nằm lưng chừng vách núi.
“Mọi động tác đều phải thật cẩn trọng vì đây là vách đá cực kỳ nguy hiểm. Nhiều người nhìn thấy tổ ong này còn không dám lấy, quay về vì nếu không có dụng cụ, kỹ thuật và kinh nghiệm, chỉ cần sơ xuất một chút có thể ảnh hưởng đến tính mạng”, anh Nam phân tích.
Thợ ong nhẹ nhàng gạt bỏ ong thợ ra khỏi tổ, để lộ ra lớp sáp ong chứa đầy mật ngọt.
Nhẹ nhàng dùng dao cắt từng miếng sáp ong cho vào xô nhựa được buộc theo dạng ròng rọc. (Ảnh: Bước chân vùng cao).
Sau vài giờ, những mảng sáp ong chứa đầy mật được những người thợ ong lấy xuống thành công, đựng vào túi nilon rồi vận chuyển xuống chân núi.
Anh Hà Văn Luật vui mừng khi thu hoạch thành công tổ ong "khổng lồ", nặng 15kg.
Anh Nam cho biết, tổ ong này nặng khoảng 15kg. Nếu bán cả tổ, giá tại cửa rừng từ 250-350 nghìn đồng/kg. Nếu vắt mật bán, mỗi lít mật sẽ được từ 500-550 nghìn đồng/lít. Tính ra, tổ ong này thu về được hàng triệu đồng.
“Đó là giá tại cửa rừng, còn nếu sang tay các thương lái, đến người tiêu dùng thì giá lên tới cả triệu đồng/lít. Mật ong khoái ngon nên khai thác đến đâu được thương lái mua hết đến đó”, anh Nam cho hay.