Khu 13, Xã Vĩnh Chân, Huyện Hạ Hoà, Tỉnh Phú Thọ

0983 239 268

Theo chân người dân miền núi đi kiếm “lộc rừng”, nghề làm thêm kiếm nửa triệu đồng/ngày

Ngày đăng: 02/03/2022 02:35 AM

Tác Giả: Phùng Hương Ly - Trịnh Hoài Nam

Nguồn: danviet.vn

Khi những cơn mưa xuân lất phất bay cũng là lúc cỏ cây đâm chồi nảy lộc, nhiều bà con ở xã Đông Cửu, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ lại tất bật đeo gùi lên các cánh rừng đi “ăn măng”.

Mới tờ mờ sớm, khi sương còn đọng ướt nhèm trên những cành lá, 4 người nhà chị Trần Thị Quyên, trú tại xóm Quét đã tất bật tay cuốc, lưng gùi, chân thoăn thoắt đi không biết mỏi bắt đầu hành trình vào rừng “ăn măng”.

Đi qua quãng đường đất vòng vèo, trơn trượt theo sâu vào chân núi, cách nhà khoảng 3km, vợ chồng chị Quyên đi trước, hai đứa cháu nhảy chân sáo theo sau đầy hứng khởi.

 

Theo chân người dân miền núi đi kiếm “lộc rừng”, nghề làm thêm kiếm nửa triệu đồng/ngày - 1

 

Đường vào rừng "ăn măng" vất vả nhưng gia đình chị Quyên ai nấy đều hứng khởi. (Ảnh: Trịnh Hoài Nam).

“Mùa măng đội đất mọc lên cũng là lúc bà con xong xuôi việc đồng áng, tranh thủ vào rừng hái lộc mang ra chợ bán. Bọn trẻ con ngày nào được nghỉ học là cũng đòi đeo gùi vào rừng, vừa vui vừa có tiền mua sách vở, quần áo mới”, chị Quyên nói.

Theo chân người dân miền núi đi kiếm “lộc rừng”, nghề làm thêm kiếm nửa triệu đồng/ngày - 3

Đứa cháu khoảng chừng 5 tuổi vào rừng kiếm măng. (Ảnh: Trịnh Hoài Nam).

Chị Quyên cho biết, tháng Giêng đến tháng Ba là mùa măng vầu, tháng Bảy đến tháng Chín âm lịch là mùa măng nứa. Trong đó, măng vầu là món “rau rừng” hấp dẫn được nhiều người ưa chuộng.

Theo chân người dân miền núi đi kiếm “lộc rừng”, nghề làm thêm kiếm nửa triệu đồng/ngày - 4

Chân đeo ủng, lưng đeo theo chiếc gùi lớn, tay mang theo chiếc thuổng dài, chị Quyên đi tìm măng rừng về bán. (Ảnh: Trịnh Hoài Nam).

 Lên rừng kiếm măng vầu đòi hỏi sự bền bỉ và nhanh nhẹn vì đường xa, dốc cao và nhiều muỗi, vắt. Tuy nhiên, bà con nơi đây kể cả người lớn và trẻ em đều hào hứng với công việc đặc biệt này.

Theo chân người dân miền núi đi kiếm “lộc rừng”, nghề làm thêm kiếm nửa triệu đồng/ngày - 5

Cả nhà len lỏi dưới tán lá rừng, vừa đi vừa cầm dao dựa phát đi những cành cây mọc loà xoà chắn lối đi. (Ảnh: Trịnh Hoài Nam).

“Đầu mùa, măng có vị ngọt mát, càng về cuối mùa măng càng đắng. Vì vậy, măng đầu mùa bán lẻ trên thị trường với giá từ 20-25 nghìn đồng/kg, giữa mùa giá chỉ còn 10 nghìn/kg”, chị Quyên nói.

Chân đeo ủng, lưng cõng gùi, tay cầm dao rựa, cuốc, thuổng, cả nhà chị Quyên lách qua những bụi cây mọc chằng chịt để tìm măng dưới những tán vầu um tùm.

Theo chân người dân miền núi đi kiếm “lộc rừng”, nghề làm thêm kiếm nửa triệu đồng/ngày - 6

Mầm măng còn chưa mọc lên khỏi mặt đất được chị Quyên tìm thấy. (Ảnh: Trịnh Hoài Nam).

Vừa chỉ tay vào phía ụ đất có vết nứt, chị Quyên vừa nói: “Phải thật tinh mắt và quan sát kỹ mới có thể phát hiện thấy tai măng bé nhỏ ở mặt đất hoặc vết đất nứt, nơi măng chưa nhú lên ánh sáng. Những cây măng này là ngon nhất”.

Theo chân người dân miền núi đi kiếm “lộc rừng”, nghề làm thêm kiếm nửa triệu đồng/ngày - 7

Phía bên phải, cháu gái chị cũng đã tìm được những mầm măng đầu tiên, dùng dao rựa để đào. (Ảnh: Trịnh Hoài Nam).

Việc “ăn măng” tưởng chừng như đơn giản nhưng lại không hề dễ dàng. Người nào có kinh nghiệm, có thể kiếm được “ổ măng” hàng chục chiếc, kiếm cả tạ mỗi ngày. Nhưng người nào mới vào nghề, cả ngày chỉ kiếm được vài chiếc, không đủ ăn.

Theo chân người dân miền núi đi kiếm “lộc rừng”, nghề làm thêm kiếm nửa triệu đồng/ngày - 8

Chị Quyên dùng chiếc thuổng dài để đào mầm măng. (Ảnh: Trịnh Hoài Nam).

“Khí hậu nóng ẩm rất thích hợp để măng bật mầm. Một trong những đặc điểm nhận biết nơi có măng non đó là lớp đất nứt ra hoặc tơi xốp, bà con chỉ việc dùng thuổng đào và bẩy củ măng lên”, chị Quyên nói.

Hai vợ chồng chị Quyên, người cầm cuốc, người cầm thuổng. Hai đứa cháu, đứa lớn cầm thuổng, đứa nhỏ cầm bao chạy chân sáo theo chị học cách lấy măng.

Theo chân người dân miền núi đi kiếm “lộc rừng”, nghề làm thêm kiếm nửa triệu đồng/ngày - 9

Cây măng được đào lên khỏi mặt đất non mơn mởn. (Ảnh: Trịnh Hoài Nam).

Cả nhà đi men theo sườn núi, dưới những tán vầu cả ngày, cùng nhau đào lên những củ măng tươi chắc nịch, được bọc bởi lớp vỏ cứng, dày dặn. Mỗi củ nặng từ vài lạng đến hơn 1 kg nhẹ nhàng bỏ vào chiếc gùi đeo sau lưng.

Theo chân người dân miền núi đi kiếm “lộc rừng”, nghề làm thêm kiếm nửa triệu đồng/ngày - 10

Chồng chị Quyên dùng cuốc để đào những "ổ măng" nằm sâu dưới lòng đất. (Ảnh: Trịnh Hoài Nam).

Theo chị Quyên, đầu mùa, công việc kiếm măng cực nhọc vì cây măng chưa nhú lên khỏi mặt đất. Có khi cả ngày chỉ được một gùi (khoảng 20-30kg) nhưng đến thời điểm măng rộ, một ngày bà con có thể thu hoạch hàng tạ măng.

Theo chân người dân miền núi đi kiếm “lộc rừng”, nghề làm thêm kiếm nửa triệu đồng/ngày - 11

Cả nhà cặm cụi hái lộc rừng, nghề tay trái kiếm thêm lúc nông nhàn. (Ảnh: Trịnh Hoài Nam).

Sau hơn 4 giờ vượt rừng, len lỏi kiếm măng ở sườn núi, vợ chồng chị Quyên cùng hai đứa cháu đã kiếm được những gùi măng nặng trĩu sau lưng, xuống núi mang đến điểm cân.

Bình thường, đường đồi núi đi người không đã khó khăn nhưng cả nhà chị Quyên ai cũng gùi thêm hàng chục cân măng sau lưng. Đi lên đã khó, đi xuống còn vất vả hơn nhiều. Từng bước phải chắc chắn, cẩn thận vì chỉ sơ sẩy là ngã lúc nào không hay.

Theo chân người dân miền núi đi kiếm “lộc rừng”, nghề làm thêm kiếm nửa triệu đồng/ngày - 12

Công việc tuy vất vả nhưng mỗi ngày, nhà chị Quyên cũng có được thu nhập từ 400-500 nghìn đồng từ việc lên rừng lấy măng. (Ảnh: Trịnh Hoài Nam).

“Măng nứa thì phải bóc vỏ, luộc chín mới bán được nhưng măng vầu cứ thế để cả vỏ mang đi cân. Đầu mùa khó kiếm thì bán được 20-25 nghìn đồng nhưng vào mùa thì chỉ được khoảng 10 nghìn/kg. Từ việc bán măng, trung bình mỗi ngày gia đình tôi có thể thu về từ 400-500 nghìn đồng”, chị Quyên nói.

Theo chân người dân miền núi đi kiếm “lộc rừng”, nghề làm thêm kiếm nửa triệu đồng/ngày - 13

Công việc tuy vất vả nhưng ai nấy đều vui vẻ với công việc này. (Ảnh: Trịnh Hoài Nam).

Bằng sự thông minh và khéo léo bà con có thể chế biến măng vầu thành nhiều món ngon. Món ăn giản dị nhưng tinh tế, thấm đẫm nét văn hóa ẩm thực vùng cao như măng nướng chấm chẳm chéo, măng xào tỏi, canh măng hoặc măng cuốn thịt vô cùng ngon miệng.

Theo chân người dân miền núi đi kiếm “lộc rừng”, nghề làm thêm kiếm nửa triệu đồng/ngày - 14

Măng vầu được các thương lái thu mua rồi mang ra chợ bán, trở thành loại rau rừng được nhiều người yêu thích. (Ảnh: Hương Ly).

Tùy mỗi giai đoạn mà măng vầu có hương vị khác nhau, có người chỉ thích vị giòn ngọt của măng đầu mùa, nhưng vị đắng của măng cuối mùa lại được một số người ưa chuộng hơn bởi hương vị rất riêng và lôi cuốn.

Do tiêu thụ dễ dàng nên công việc kiếm măng không chỉ diễn ra ở xã Đông Cửu mà đối với nhiều bà con ở các khu vực lân cận, măng vầu cũng được xem là thứ rau rừng “thu nhập khá” theo mùa vụ.